HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Nghiên cứu trao Đổi

Đặng Huy Trứ, nhà yêu nước với chủ nghĩa ái dân

7/15/2018 11:34:06 AM

 Đặng Huy Trứ, nhà yêu nước với chủ nghĩa ái dân

   ĐẶNG VĂN HƯỜNG
                                                                                      PCT. TT Hội Đồng Họ Đặng Việt Nam

Giới nghệ sĩ nhiếp ảnh trong nước truy phong danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 – 1874) là ông tổ của nghề nhiếp ảnh Việt Nam. Ngược dòng lịch sử, ngày 15.3.1869, một sự kiện gây xôn xao giới nhiếp ảnh hai miền Nam – Bắc, đó là tại TP.Thanh Hà (Hà Nội) khai trương hiệu ảnh đầu tiên mang tên “Cảm Hiếu Đường” do ông Đặng Huy Trứ - một người Việt Nam làm chủ. Tại hiệu ảnh, danh nhân Đặng Huy Trứ đã làm hai câu đối “quảng cáo” nêu rõ mục đích của việc chụp ảnh. Cụ thể, câu đối 1, ông viết “Nhân yên trù mật Thanh Hà phố; Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường”, tạm dịch là: “Thanh Hà phố ấy dân trù mật; Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng”; Câu đối 2 “Hiếu dĩ thân nhân sở cộng; Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền”, tạm dịch “Hiếu thờ cha mẹ người người muốn; Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền”.
Là một chính khách triều đại nhà Nguyễn, Đặng Huy Trứ là một nhà cải cách Việt Nam thời cận đại. Không chỉ là ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam, ông còn là người đầu tiên đưa kỹ nghệ đóng tàu phương Tây du nhập vào nước ta. Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử khẳng định, Đặng Huy Trứ là người có đầu óc đổi mới, mẫn tiệp và có lối sống hào sảng, yêu cái đẹp, nổi tiếng thanh liêm.
Cuộc đời lẫn công danh, sự nghiệp của Đặng Huy Trứ đều khá lận đận. Năm 1847, Đặng Huy Trứ đỗ thi Hương và thi Hội nhưng đến khi thi Đình thì bị phạm húy nên bị cấm thi trọn đời, 8 năm sau nhờ một vị quan tâu vua xin cho ông được thi lại và đỗ tiến sỹ năm 1855. Ông là một nhà Nho yêu nước chống Pháp thế kỷ XIX. Trên con đường quan lộ, Đặng Huy Trứ có tự Hoàng Trung, hiệu Võng Tân, Tỉnh Trai, tục gọi là Bố Trứ - Bố Đặng (do ông từng làm Bố chính), pháp danh Đức Hải (thuở thiếu thời ông từng được đem quy y Tam bảo tại chùa Từ Hiếu), quê làng Bát Vọng, sau sang ngụ ở làng Thanh Lương (nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Ông mất năm Giáp Tuất tại xã Cao Lăng, Chợ Bến, Đồn Vàng, thuộc tổng Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Sau này ông được đưa về an táng tại Hiền Sĩ (nay thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế).
Có thể nói, Đặng Huy Trứ bén duyên với nghề nhiếp ảnh khá tình cờ. Trong một chuyến đi Trung Quốc, ông đã nhờ thợ chụp hai tấm ảnh ở Hương Cảng. Khi nhận ảnh, ông rất bất ngờ và tò mò về nó, hỏi rất kỹ cách chụp, in tráng. Sau đó, vào năm 1867, ông lại được nhà Nguyễn cử đi công tác Trung Quốc và lần này ông nhờ thợ ảnh ở Quảng Đông mua hộ máy và vật tư. Ông mở hiệu ảnh ở Hà Nội, khách hàng của ông ban đầu là các gia đình giàu có và cả các quan triều từ Huế ra công cán Hà Nội. Ông tự thao tác hết mọi công đoạn, nghề nhiếp ảnh VN cũng đã bắt đầu từ đây. Cho đến nay, các tấm ảnh ông tự chụp vẫn còn được lưu giữ tại một bảo tàng ở Pháp.
Nói về Đặng Huy Trứ, Phan Bội Châu từng nhận định ông là “Một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên của Việt Nam“. Chính ông đã gieo mầm canh tân cho nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX với tư tưởng phát triển kinh tế (khai mỏ, mở mang thủ công nghiệp và thương nghiệp, phát triển giao thông vận tải); phát triển khoa học quân sự (đưa ra tư tưởng chiến tranh nhân dân cho mọi chiến lược và chiến thuật, cử người đi học hỏi những kỹ nghệ phương Tây như đóng thuyền, chế tác vũ khí); cải cách xã hội (chống tư tưởng trọng văn khinh võ, chống hối lộ – tham nhũng, nhấn mạnh đức tính cần kiệm liêm chính – chí công vô tư của quan lại). Ông lập ra các thương điếm như Lạc Sinh Điếm, Lạc Thanh Điếm và Ty Bình Chuẩn để giao thương với phương Tây, tạo dựng nền tảng tài chính và quân sự cho triều đình nhà Nguyễn trong những 1850-1870. Năm 1865, Đặng Huy Trứ đã được cử đi xứ tại Hương Cảng (Hongkong) và đã đem về một cuốn sách về máy hơi nước cho chính ông dịch ra tiếng Hán. Tiếc rằng tư duy canh tân của Đặng Huy Trứ đã không được tiếp tục duy trì và phát triển sau khi ông mất vào năm 1874.
Ngoài ra, Đặng Huy Trứ còn là người đưa ra chủ trương mời thầy giáo nước ngoài vào dạy các môn khoa học và cử sinh viên ra nước ngoài học tập. Ông phát huy thuần phong mỹ tục tôn trọng di tích lịch sử văn hóa dân tộc. Ông còn là nhà yêu nước với chủ nghĩa ái dân, thương yêu phụng sự dân như người con phụng thờ cha mẹ.
Suốt 18 năm làm quan, Đặng Huy Trứ trải qua nhiều chức vụ, từng đi xứ các nước Trung Quốc, Triều Tiên, Xiêm La (Thái Lan) có mối quan hệ rộng rãi với các tầng lớp nhân dân cũng như sĩ phu trong và ngoài nước. Ông đi nhiều, tiếp xúc nhiều và có tầm tư duy quảng bác. Không giống những nhà canh tân cùng thời, Đặng Huy Trứ là nhà canh tân dám dấn thân, canh tân dựa vào dân và làm lợi cho dân (công tư lưỡng lợi), dấn thân đến tột cùng trái ngược hẳn với bản tính ốm yếu về thể chất của ông.
Nhìn lại lịch sử, nhìn lại những cống hiến đóng góp về tư tưởng tình cảm của Đặng Huy Trứ, người viết trang đầu cho lịch sử ngành nhiếp ảnh của VN vẫn mãi song hành với cuộc sống hôm nay, là tấm gương sáng chiếu rọi để cho những người nghệ sĩ nhiếp ảnh sáng tạo có hồn, có tâm, và gần gũi hơn với cuộc sống; và đặc biệt là niềm tự hào muôn đời của người Việt nói chung và con cháu họ Đặng nói riêng!
 

Cập nhật lần cuối: 7/15/2018 11:34:06 AM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb