HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Các danh nhân tiêu biểu của họ Đặng dòng Lương Xá

10/31/2018 7:16:28 PM

 Các danh nhân tiêu biểu của họ Đặng dòng Lương Xá

ĐẶNG XUÂN VĨNH
Bao giờ núi Chúc hết cây
Sông Ninh hết nước, Đặng này hết quan
Núi Chúc là tên ngọn núi thuộc xã Ngọc Sơn, sông Ninh là tên đoạn sông Đáy xưa chảy qua địa phận thôn Ninh Sơn, xã Phụng Châu, họ Đặng trong câu ca là họ Đặng làng Lương Xá, xã Lam Điền. Các địa danh trên đều thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội.
Người dân huyện Chương Mỹ gắn tên họ Đặng làng Lương Xá với tên núi, tên sông của quê hương do họ Đặng Lương Xá có nhiều người làm quan.
Họ Đặng gốc Trần dòng Lương Xá (họ Đặng Lương Xá) bao gồm họ Đặng làng Lương Xá và các chi họ Đặng ở các nơi có nguồn gốc từ họ Đặng làng Lương Xá. Thủy tổ là cụ Trần Lâm, con trai út cụ Tiến sỹ Thượng thư Bộ Hình Dương Khê hầu Trần Văn Huy, dòng dõi Hưng Đạo Đại Vương. Năm Tân Mùi (1511), cụ đổi tên là Đặng Lâm và đưa con cháu chạy về Lương Xá để tránh họa tru di do người trong họ là Trần Tuân khởi nghĩa chống lại triều đình vua Lê Tương Dực, bị thất bại. Họ Đặng dòng Lương Xá ra đời từ đó.
Do bất ngờ đi trốn không mang theo gạo tiền và điền sản nên 4 đời nghèo khổ, có cụ mót lúa gặp cơn giông bị chết bên bờ ruộng, có cụ khi mất không có tiền làm ma, đến tối con cháu khiêng thi hài đi mai táng ở bãi sông.
Truyền năm đời đến cụ Đặng Huấn, do có công phò Lê diệt Mạc, được phong tới Thái úy Nghĩa Quốc công rồi phong Hậu Trạch công. Cụ là một trong bốn vị có công đầu Trung Hưng, được phối thờ ở Thái Miếu.
200 năm dưới triều Lê Trung Hưng, con cháu cụ Đặng Huấn vinh hiển được 8 đời, nhiều cụ có công lớn được vua Lê, chúa Trịnh tin dùng và ân sủng, nhiều cụ làm quan văn, tướng võ đầu triều.
Nhà sử học Phan Huy Chú đã dùng lời đẹp đẽ khi viết về họ Đặng Lương Xá trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”: “Ở làng Lương Xá có nhà dòng dõi làm tướng, đời đời làm quan. Họ Đặng từ Nghĩa Quốc công Đặng Huấn là công thần thời Lê Trung Hưng... Về sau con cháu đời đời vẻ vang, được phong là quận công, được lấy công chúa và được làm trấn thủ nhiều nơi, hơn 200 năm giàu sang mãi mãi”.
Theo thống kê chưa đầy đủ (vì các phả chủ yếu viết về ngành trưởng) có 31 cụ được phong tước công, 61 cụ được phong tước hầu, 25 cụ được phong tước bá, 2 cụ được phong tước tử và 1 cụ được phong tước Nam).
Trong số các cụ được phong tước cao, xin giới thiệu một số cụ tiêu biểu:
Đặng Huấn - người có công đầu thời Lê Trung Hưng
Cụ Đặng Huấn (1519 – 1590) là con thứ hai cụ Đặng Điện, cháu 5 đời cụ Đặng Lâm. Cụ sinh ra khi gia đình còn nghèo khổ, mẹ và anh trai mất sớm. Năm 4 tuổi, cụ theo cha về quê mẹ kế ở Phú Xuyên, mở quán trên bến đò Giẽ Hạ bên đường Thiên Lý. Từ đây, cuộc sống của gia đình bớt nghèo khổ.
Lớn lên, cụ trở thành một thanh niên cường tráng, có sức khỏe và giỏi võ, lại được học hành đôi chút. Tướng nhà Mạc là Thuần quận công Lê Bá Đễ nghe danh tuyển cụ vào quân doanh, giao cụ nuôi dạy đàn ngựa chiến. Sau đầu quân triều Mạc, cụ được phong tước bá, chỉ huy đội cấm binh canh gác cung điện.
Năm 1550, cụ vào quy thuận vua Lê chúa Trịnh, chúa Trịnh Kiểm phong cụ tước hầu, tiên phong tướng quân. Cụ xông pha trăm trận, lập nhiều công lớn. Năm 1559, cụ được phong Thái phó và làm việc tại phủ Chúa. Cụ mất năm 1590, được tặng phong Thái úy Nghĩa Quốc công, sau lại tặng phong Hậu Trạch công. Cụ là một trong bốn vị có công đầu thời Lê Trung Hưng, được phối thờ ở nhà Thái miếu.
Con gái thứ của cụ là Công nương Đặng Thị Ngọc Giao, Thái phi của Chúa Trịnh Tùng, sinh ra Chúa Trịnh Tráng. Năm 1625, Chúa Trịnh Tráng xây Hữu phủ từ Lương Xá để thờ cụ, nay thường gọi là Phủ từ Lương Xá, được Nhà nước cấp Bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.
Do cụ hiển vinh, bốn đời cao tằng tổ khảo của cụ được truy phong là: Cao tổ Cao Quận công Đặng Lâm, tằng tổ Lương Quận công Đặng Lội, hiển tổ Thắng Quận công Đặng Chí, hiển khảo (cha sinh) Nghiêm Quận công Đặng Điện.
Cụ có 2 con trai, cả hai cùng được phong quận công là Hà Quận công Đặng Tiến Vinh và Thụy Quận công Đặng Thế Kỵ.
Dòng cụ Đặng Tiến Vinh có 22 cụ được phong quận công: 7 con là Lãng Quận công Đặng Thế Sức, Doanh Quận công Đặng Thế Tài, Liêm Quận công Đặng Thế Khoa, Khâm Quận công Đặng Thế Khanh, Điện Quận công Đặng Thế Tông, Tuấn Quận công Đặng Thế Năng, Đạt Quận công Đặng Tiến Sâm; 5 cháu nội là Yên Quận công Đặng Tiến Thự, Tần Quận công Đặng Tiến Quyền, Tố Quận công Đặng Thế Công, Thuyên Quận công Đặng Đình Dần, Vân Quận công Đặng Tiến Bá; 7 chắt là: Gia Quận công Đặng Tiến Lân, Lai Quận công Đặng Tiến Sở, Ứng Quận công Đặng Đình Tướng, Dận Quận công Đặng Tiến Miên, Kế Quận công Đặng Tiến Luân, Vinh Quận công Đặng Đình Trử, Điền Quận công Đặng Tiến Thuyên; 2 chút là: Huân Quận công Đặng Đình Gián, Khê Quận công Đặng Phúc Khê; 1 chít là Vinh Quận công Đặng Đình Mật.
Cụ Đặng Thế Kỵ có 2 còn cùng được phong quận công là: Dương Quận công Đặng Thế Dương và Tứ Quận công Đặng Trứ.
Ngoài ra còn 6 quận công được chép trong văn bia và phả chi nhưng không có các thông tin chi tiết về thứ bậc, năm sinh, năm mất và năm được phong tước nên không đưa vào danh sách.
Trong số 31 cụ được phong quận công, tiêu biểu nhất là hai cụ được tham dự triều chính, được nhà sử học Phan Huy Chú chép ở mục “Người phò tá có công lao, tài đức” trong cuốn “Lịch triều hiến chương loại chí”.
Đặng Thế Khoa – Vị tham tụng công bằng và liêm khiết
Cụ Đặng Thế Khoa (1593 – 1656), con thứ ba cụ Đặng Tiến Vinh, cháu ba đời cụ Đặng Huấn.
Xuất thân là quan võ từ 17 tuổi, cụ từng theo Chúa Trịnh Tráng đi đánh Nguyễn ở phương Nam, 5 lần đi đánh Mạc, 2 lần dẹp loạn vương thân. Năm 1629, cụ 36 tuổi được phong Liêm Quận công. Cụ được sai trấn thủ Nghệ An vào năm 1631 và trấn thủ hai trấn Sơn tây – Sơn Nam vào năm 1644.
Năm 1647, cụ được đổi sang ban Văn, giữ chức Tả Thị lang Bộ Hộ. Năm 1653, các viên chức ở phủ Chúa đều bị kiện về tội hối lộ, riêng cụ không bị kiện mà còn được ngợi ca. Vua khen ngợi, thăng lên Thượng thư Bộ Binh, gia Tham tụng và được tham dự triều chính.
Cụ mất năm 1656, được bao phong Thượng đẳng Phúc thần Liêm Đại Vương, dân làng Quảng Bị thờ cụ làm Thành hoàng. Đình làng Quảng Bị và nhà thờ cụ tại xã Quảng Bị được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.
Đặng Đình Tướng – Vị quốc lão tiên
Cụ Đặng Đình Tướng (1649 – 1735) là con thứ ba cụ Đặng Tiến Thự, cháu 5 đời cụ Đặng Huấn.
Năm 1671, cụ 22 tuổi, đỗ Tiến sỹ, làm quan Hàn lâm viện hiệu thảo, đến năm 1704 được thăng tới Tả thị lang Bộ Lại. Năm 1705, cụ được đổi sang ban võ, được phong Ứng Quận công, trấn thủ Sơn Nam. Năm 1711, cụ được phong Tây quân Tả Đô Đốc.
Năm 1717, cụ về trí sỹ, năm 1719 được gia phong Thái phó và Quốc lão, được tham dự triều chính. Năm 1720, được gia phong Thái tể.
Năm 1721, cụ được vời ra làm quan, năm 1730 được phong Đại Tư Mã và về trí sỹ năm 1731.
Năm 1735, cụ mất, được tặng phong Đại Tư đồ, được bao phong Thượng đẳng phúc thần Ứng Đại Vương.
Nhà thờ cụ ở xã Thụy Hương được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa.
Cuối thế kỷ 18, nghĩa quân Tây Sơn diệt chúa Nguyễn ở Đàng Trong, lật đổ chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, đại phá quân xân lược nhà Thanh, lập ra triều Tây Sơn, sau đó bị triều Nguyễn diệt. Cũng như giới sỹ phu Bắc Hà, người họ Đặng Lương Xá đi theo hai con đường đối lập.
Một số, điển hình là cụ Đặng Tiến Đông – có tư tưởng tiến bộ, thấy rõ sự mục ruỗng và tất yếu sụp đổ của triều Lê – Trịnh, thấy rõ đời sống cực khổ và sức mạnh quật khởi của nông dân, cảm phục tài đức và nghĩa khí của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, đã đi theo Tây Sơn.
Một số, điển hình là cụ Đặng Trần Thường – có tư tưởng bảo hoàng, tận trung với nhà Lê, coi Tây Sơn là ngụy triều, nhiều lần mộ quân chống lại nhưng đều thất bại. Nghe tin con cháu chúa Nguyễn là Phúc Ánh chống Tây Sơn dưới ngọn cờ “Bình Tây phù Lê” đã đi theo Phúc Ánh.
Đặng Tiến Đông - vị tướng Tây Sơn đánh trận Đống Đa
Cụ Đặng Tiến Đông (1738 – 1801), chi Giáp Nhất, cháu sáu đời cụ Đặng Huấn. Tên cụ là Đông, nghĩa là mặt trời mọc ở phương Đông. Cha cụ muốn cụ có lòng kiên định như mặt trời luôn mọc ở hướng Đông và luôn tồn tại cho dù mây mưa che khuất.
Năm 1764, cụ đỗ tạo sỹ, làm quan dưới triều Chúa Trịnh Doanh và Trịnh Sâm. Năm 1782, cụ bỏ quan trốn về quê để tránh sự truy quét của Chúa Trịnh Khải. Năm 1787, cụ vào Quy Nhơn ra mắt Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ, được thu nạp và phong chức Đô đốc đồng tri, tước Đông Lĩnh hầu. Đây có thể là chức tước cũ của cụ từ thời Lê Trịnh vì cụ mới vào theo Tây Sơn chưa lập công mà đã được phong chức tước cao như vậy. Trận vua Quang Trung đại phá quân Thanh, cụ là tướng tiên phong, cầm đạo kỳ binh theo đường Thượng Đạo đánh đồn Khương Thượng ở Tây Nam Thăng Long, chiều hôm đó cụ ra Cửa Nam đón vua Quang Trung vào thành. Sau chiến thắng cụ được phong Đại Đô đốc.
Vua Quang Trung mất ít lâu, cụ về trí sỹ. Cụ theo đạo Phật, tu tại gia và chăm lo việc đạo. Sau khi mất, cụ được thờ làm hậu Phật ở chùa Thủy Lâm thôn Lương Xá, chùa Trăm Gian thôn Tiên Lữ và chùa Ba Xã thôn Long Châu. Phủ từ Lương Xá nơi phối thờ cụ được cấp bằng Di tích Lịch sử Văn hóa với tên Nhà thờ danh nhân Đặng Tiến Đông.
Đặng Trần Thường – khai quốc công thần triều Nguyễn
Cụ Đặng Trần Thường (1759 – 1816), chi Giáp Nhất, cháu 9 đời cụ Đặng Huấn.
Năm 16 tuổi, cụ chịu liên tiếp hai tang song thân nên phải bỏ học, làm thầy đồ ở Phú Xuyên. Năm 1782, cụ lên Thăng Long thi Hương đúng lúc Chúa Trịnh Khải truy quét người họ Đặng nên cụ đi giao du ở vùng An Quảng. Cụ coi Tây Sơn là ngụy triều nên mấy lần mộ quân chống lại ở Tuyên Quang và Sơn Tây, bị thất bại cụ trốn ở Hưng Yên. Năm 1793, cụ vào theo Phúc Ánh dưới ngọn cờ “Bình Tây Phù Lê”. Do có công lớn, cụ được phong Thượng thư Bộ binh, coi việc binh và đê điều ở Bắc Thành.
Năm 1810, cụ bị hạ ngục do “biết mà không nói” những sai phạm trong việc truy phong phúc thần ở Bắc Thành. Năm 1813, cụ được tha nhưng bị xóa tên trong quan tịch, cụ nói năng và làm thơ phú tỏ ý oán trách vua. Năm 1816, vua Gia Long vin cớ ẩn lậu đinh điền để giết cụ.
Vua Tự Đức và Khải Định đã giải oan, phục chức và định lệ thờ cúng cụ vào năm 1868 và 1925. Vua Tự Đức nói với quần thần: “... Xét bọn Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành và Đặng Trần Thường thì công rất lớn, sở dĩ có tội vì ít học, không có lễ phép mà thôi”...
Người họ Đặng Lương Xá giàu lòng yêu nước và sớm đi theo Đảng, điển hình là cụ Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (1907 - 1988), con cháu chi Bính Ngũ, cháu mười bốn đời cụ Đặng Huấn. Cụ từng được bầu là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Tổng Bí thư của Đảng.
Năm 1973, lần đầu tiên có cuộc họp trên 1.000 con cháu mọi miền tại Phủ Từ Lương Xá, ông Trưởng tộc nói: “Dòng họ ta không có ai phản bội Tổ quốc”.
Họ Đặng Lương Xá xứng đáng là “Dòng họ lớn đất Sơn Nam” như nhà sử học Đặng Xuân Bảng viết trong cuốn “Sử học bị khảo”.q
 
 

Cập nhật lần cuối: 10/31/2018 7:16:28 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb