HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
TIN XEM NHIỀU NHẤT
BẢN ĐỒ GOOGLE

LỊCH VẠN NIÊN
Tháng      Năm  

 

Hoạt động dòng họ

Chuyện về Họ Đặng ở Lào Cai

10/31/2018 7:02:06 PM

 Chuyện con nuôi của người Dao ở làng My

Thứ Sáu, 10/07/2015, 20:23:23
nhandan.com.vn 
 

Cụ Đặng Văn Chung, người con nuôi cao tuổi nhất làng My miệt mài sưu tầm và truyền dạy chữ Nôm - Dao cho lớp trẻ.
Về làng My, xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), tôi cứ nghĩ mãi điều gì đã khiến những con người không họ hàng, thân thuộc, xuất thân từ nhiều vùng quê và nhiều dân tộc khác nhau, lại gắn quyện sâu sắc như ruột thịt và làm nên câu chuyện như "cổ tích" của người Dao nơi đây.
Mỗi con nuôi, một cuộc đời
Làng My của người Dao ở Xuân Quang đẹp và bình yên như tên gọi, với những cánh rừng trồng xanh ngát và dòng suối My mát lành chảy xuyên làng, khởi thủy từ rừng nguyên sinh trên dãy núi đá cao chót vót phía thượng nguồn. Làng My thuận đường đi lại nhưng cách biệt với phố thị ồn ào, bởi ở sâu trong thung lũng, với những ngôi nhà kiến trúc theo lối cổ, con người và bản sắc văn hóa dân tộc Dao đậm nét, nguyên sơ. Văn hóa Dao thấm đẫm trong từng con người, mỗi ngôi nhà. Làng có hơn một nửa số dân mang dòng máu của những tộc người khác, vùng quê khác. "Làng có 113 hộ thì có đến hơn 80 hộ nhận con nuôi đủ các dân tộc Kinh, Tày, Giáy, La Chí, Xa Phó... kể từ khi thành lập làng năm 1996 đến nay" - Trưởng thôn Đặng Văn Long cho biết.
Người con nuôi cao tuổi nhất của làng bây giờ là cụ Đặng Văn Chung, 78 tuổi. Dáng người nhỏ nhắn, vầng trán cao và đôi mắt lanh lợi, giọng tiếng Kinh bị "chìm lấp" bởi giọng tiếng Dao, thỉnh thoảng cụ lại "phát sóng ngang" (nói tiếng Dao) khi kể về cuộc đời mình. Quê ở xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, cậu bé Chung phiêu dạt lên Lào Cai do trận đói lịch sử năm 1945. Cậu được ông Đặng Văn Bầu, người Dao, ở xã Xuân Quang thương cảm, nhận làm con nuôi, rồi cải họ người Kinh mang họ Đặng của người Dao. "Tám tuổi, tôi làm con nuôi ông Bầu, được làm lễ "cấp sắc" như người Dao, nói tiếng Dao, sinh hoạt theo phong tục người bản địa, lấy vợ người Dao, thật sự tôi nghĩ mình là người Dao, cho đến khi mẹ tôi từ quê Hà Nam lên tìm và nhận con đẻ, tôi mới biết về gốc tích của mình" - giọng trầm buồn, cụ Chung hoài niệm về gốc gác quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, về cuộc đời trầm luân dâu bể. Đã 70 năm gắn bó với làng My, cụ Chung đã có bảy người con và 25 cháu, chắt.
Câu chuyện làm con nuôi người Dao làng My của anh Đặng Văn Long thì thật dài và trắc trở. Với giọng khàn đục và hơi lơ lớ của người Dao khi chuyển sang nói tiếng Kinh nhưng khá lưu loát, anh kể: "Gốc gác của tôi là người Kinh, có tên là Đoàn Xuân Phong, sinh năm 1960, ở quận Lê Chân, TP Hải Phòng. Năm 1964, gia đình đói kém, mẹ tôi là Đinh Thị Duối dắt tôi và em gái lên xã Thái Niên sinh sống. Tại đây, bà quen một người đàn ông quê ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, rồi cuộc sống đưa đẩy, tôi và em gái đi làm con nuôi. Tôi làm con nuôi ông Đặng Văn Quang, người Dao, ở làng My này". Trầm tư đôi chút, anh nói: "Tôi trở thành người Dao từ lâu rồi, lấy vợ người Dao, sinh sống theo phong tục tập quán người Dao. Các con tôi cũng là người Dao, nói tiếng Dao, sinh hoạt theo phong tục tập quán của người Dao...". Điều đặc biệt là bố nuôi của anh Long - ông Quang, cũng là người Kinh, quê ở Nam Định. Ông Quang lưu lạc đến Lào Cai, rồi về làng My làm con nuôi một thầy mo người Dao của làng thời ấy. Ông Quang cũng được bố nuôi cải họ, đổi tên trở thành người Dao. Anh Long có năm người con, hai trai ba gái, đã lập gia thất, người con trai Đặng Quý Quân cũng vừa nhận một bé trai chín tháng tuổi của một gia đình ở cùng xã làm con nuôi. Anh Long bảo: "Tính ra, cả nhà tôi, ba đời đều là con nuôi đấy". Nghe anh kể ngọn ngành mới biết, chứ nhìn vào con người từ trang phục, lời ăn tiếng nói đến phong tục tập quán, ứng xử văn hóa... thì cả đại gia đình anh đúng "chuẩn" người Dao bản địa.
Xòe bàn tay bấm đốt, rồi giở cả sổ sách hộ khẩu của thôn, anh Long nhẩm tính hiện tại ở làng My có tới hơn 40 hộ có con nuôi. Điều lạ nữa, kể cả khi đã có con cháu đầy đàn, đủ cả gái lẫn trai, các gia đình vẫn nhận con nuôi. Rất nhiều hộ trong làng hiện nuôi hai người con nuôi như gia đình anh Bàn Văn Định (một gái, một trai), anh Lý Văn Tiến "còi" (hai con trai), anh Lý Quang Sơn (hai con trai), Bùi Văn Đạnh (hai con trai), Lý Văn Long (một trai, một gái)... Thậm chí, có gia đình nhận ba đứa con nuôi (hai gái, một trai) như gia đình anh Lý Quang Châu.
Nghĩa nặng tình sâu đâu dễ quên
Làng My xin con nuôi nhiều đến nỗi, người dân nơi khác còn nhầm tưởng họ là những kẻ chuyên... buôn bán trẻ con. Bố mẹ đẻ hoặc họ mạc của họ từ Nam Định, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, thậm chí ngay tại Lào Cai tìm về đây nhận con, nhận cháu; nhưng không một ai trong số những con nuôi ở làng My chịu từ bỏ bố mẹ nuôi, rời làng quê. Điều gì đã khiến những con người chẳng phải họ hàng gì, khác nhau về nguồn gốc dân tộc, văn hóa, quê quán mà gắn quyện sâu sắc như ruột thịt và làm nên câu chuyện như "cổ tích" của người Dao nơi đây? Một buổi sáng, hai vợ chồng anh Đặng Văn Long đang trồng cây trên nương thì người làng gọi về bảo có khách lạ đến chơi. Vợ chồng anh tức tốc trở về thì thật bất ngờ đó là bố mẹ đẻ của anh từ Hải Phòng lặn lội lên tìm nhận con. Mẹ con nhận ra nhau mừng mừng, tủi tủi... Rồi vợ chồng anh Long đưa con cái về quê Hải Phòng nhận tổ tiên, họ mạc. Bố mẹ và họ mạc anh Long ở Hải Phòng kinh tế khá giả, có định ý cắt đất, xây nhà cho vợ chồng anh về ở và làm ăn; nhưng vợ chồng anh từ chối. "Mình nghĩ cha mẹ sinh ra nhưng công lao người nuôi dưỡng lớn lắm. Bố mẹ nuôi người Dao thương quý mình như con đẻ, bây giờ mình không nỡ dứt tình sâu nghĩa nặng ấy. Thế là mình có hai quê, hai bố hai mẹ, bốn bên họ mạc Hải Phòng và làng My thì càng giàu tình cảm chứ sao"- anh Long bộc bạch.
Còn trường hợp của anh Hoàng Quốc Khánh khá hy hữu. Gốc là người Kinh, quê ở Vĩnh Phúc, do hoàn cảnh đưa đẩy, bốn tuổi, anh làm con nuôi ông Hoàng Sỹ Lực, một thầy mo người Dao của làng My. Gần đây, bố đẻ anh- nguyên là cán bộ lãnh đạo một ngành của tỉnh Lào Cai tìm về nhận con. Cha con nhận nhau thật cảm động, nhưng vợ chồng anh Khánh một mực xin ở lại làng My, không chịu về TP Lào Cai, chỉ cách làng My chừng 50 km. Thương hoàn cảnh nghèo túng của con, bố mẹ đẻ xin phép bố mẹ nuôi, xây một ngôi nhà hai tầng và toàn bộ vật dụng cho người con "chung". Anh Khánh bảo: "Mình sống từ bé ở đây cho nên như người Dao rồi, cảm thấy khá thoải mái và được mọi người trong gia đình bố mẹ nuôi và cộng đồng nơi đây yêu quý, tin tưởng. Con người thân thiện, thiên nhiên trong lành, đất đai tươi tốt, vợ chồng mình cố gắng làm ăn, nuôi dạy con cái trưởng thành và phụng dưỡng cha mẹ vẹn tròn". Làng My có rất nhiều công dân là con nuôi, thuộc nhiều dân tộc, nhiều vùng quê khác nhau. Xét về mặt di truyền, người Dao ở làng My là sự pha trộn của khá nhiều tộc người, tuy nhiên nhìn nhận về khía cạnh văn hóa thì thuần Dao, bởi văn hóa Dao thấm nhuần trong từng con người.
Trò chuyện với cụ Chung, người con nuôi cao tuổi nhất làng My, tôi hiểu thêm lý do những người con nuôi là người Kinh, La Chí, Tày, Giáy, Xa Phó... từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng luôn coi mình là người Dao làng My như một lẽ tự nhiên, bởi họ được nuôi dưỡng và đối xử nhân hậu, bình đẳng, công bằng như con đẻ. Mở chiếc hòm sắt đã tróc sơn loang lổ, cụ Chung lấy cuốn sách cổ bằng chữ Nôm Dao, có tên "Sách dạy làm người" ghi 10 điều cần làm như: Không được chửi thề bố, mẹ; không được làm điều phạm pháp; không được cướp vợ (chồng), tài sản của người khác; không được đánh chửi vợ và con cái v.v. Với người Dao, bất kể là con đẻ hay con nuôi, gái hay trai, ai làm đúng theo những điều răn dạy trên của tổ tiên Bàn Vương, sống có hiếu và nghĩa lễ với gia đình, cộng đồng thì được tin tưởng, quý trọng cho nên nhiều con nuôi làng My còn được quý hơn con đẻ.
Một điều cần nói thêm, trong tâm thức người Dao, nhận con nuôi cũng có nghĩa là nhận "thần may mắn" ngụ trong nhà mình, vì vậy họ đối xử với con nuôi như con đẻ. Các cụ xưa dạy rằng: "Gieo nhân nào thì gặt quả ấy", tôi nghĩ người Dao làng My gieo nhân hậu, nghĩa tình thì sẽ gặt về phúc đức, hiếu nghĩa. Những người con nuôi ở làng My không chỉ hiếu nghĩa vẹn toàn mà còn là những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, học tập, xây dựng đời sống văn hóa ở vùng sâu Lào Cai. Như vợ chồng anh Hoàng Văn Tiến và Đặng Thị Thủy (cả hai đều là con nuôi) từ ý chí và nghị lực vượt khó làm giàu đã trở thành hộ sản xuất giỏi của xã và huyện. Hay anh Đặng Văn Long, vượt lên hoàn cảnh, trở thành bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, được cộng đồng làng My hết sức khâm phục; không chỉ bởi sự gương mẫu, trách nhiệm với cộng đồng mà còn bởi đạo đức, nhân cách, trọng đạo lý, sâu nặng nghĩa tình...
Không ai khác, chính cụ Đặng Văn Chung là tiêu biểu cho nét đẹp văn hóa người Dao: công bằng, yêu thương con người, trọng nghĩa nặng tình, gắn bó với quê hương... Từ một người con nuôi lưu lạc, sinh sống trong cộng đồng người Dao, cụ không chỉ thấm đẫm văn hóa bản địa mà còn trở thành người nắm giữ "phần hồn" của người Dao làng My. Cụ đã tự học, chép lại và bảo tồn bộ sách quý bằng chữ Nôm Dao, để răn dạy đạo lý làm người, thực hiện nghi lễ "cấp sắc" cho các thế hệ người Dao kế tiếp của làng. Cụ Chung miệt mài mở lớp dạy chữ Nôm Dao cho con trẻ trong làng vào buổi tối, lưu truyền và bảo tồn những giá trị nhân văn, hồn cốt văn hóa dân tộc Dao ở nơi núi cao sương trắng này.
BÀI VÀ ẢNH: QUỐC HỒNG

Cập nhật lần cuối: 10/31/2018 7:02:06 PM

Về trang trước Bản in Gửi email


san pham xung danh

dich vu xung tam

chat fb